Trong văn bản kiến nghị nêu rõ, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) được biết ngày 16/12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2114/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận 19-KH/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm nghiên cứu rà soát Luật Giáo dục đại học. Tiếp theo, ngày 28/01/2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Công văn số 378/BGDĐT-GDĐH tới các cơ sở giáo dục đại học yêu cầu rà soát những vướng mắc khi triển khai các quy định liên quan đến Luật Giáo dục Đại học.
Tìm hiểu các văn bản trên cùng những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và phân tích những phản ánh của các hội viên, Hiệp hội kiến nghị tới Thủ tướng một số nội dung:
Thứ nhất, về quan điểm định hướng sửa đổi Luật Giáo dục đại học
Luật Giáo dục đại học hiện hành có hiệu lực đã hơn ba năm. Theo Hiệp hội, một Luật Giáo dục đại học hoàn chỉnh tối thiểu phải đạt được các yêu cầu quan trọng sau:
Một là, phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục đại học phân tầng, thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, khai sáng, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm hội nhập quốc tế. Trong các luật về giáo dục và trong các văn bản hiện hành, hệ thống này còn mờ về triết lý, manh mún, thiếu gắn kết, chắp vá về cơ cấu, hạn chế về năng lực hội nhập và kém hiệu quả.
Hai là, phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự và hợp lý (trên tất cả các phương diện) và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học.
Ba là, phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.
Bốn là, phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin – cho” đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý giáo dục đại học.
Hiệp hội cho rằng chỉ khi Luật Giáo dục đại học đáp ứng được cả 4 yêu cầu trên thì giáo dục đại học Việt Nam mới hy vọng trong tương lai không xa đạt được các tiêu chí cần có của một nền giáo dục đại học tiên tiến là: công bằng, chất lượng, hiệu quả, thống nhất và quốc tế hóa. Đáng tiếc là trừ yêu cầu thứ hai các yêu cầu còn lại đều không được thể hiện hoặc nếu có thể hiện thì vẫn rất mờ nhạt ở Luật Giáo dục đại học hiện hành.
Việc Quốc hội ban hành các Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 (năm 2012) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 phải nhằm luật hóa các chủ trương của Đảng đã thể hiện tại các Nghị quyết 29, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương (cùng với các kết luận của Ban Bí thư, Bộ Chính trị) và các chủ trương của Chính phủ đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng đắn. Do đó, rà soát lại những bất cập của Luật Giáo dục đại học trước hết phải làm rõ luật này có phù hợp với tinh thần của các nghị quyết trên hay không.
Trong tổ chức quản trị xã hội và Nhà nước có 2 loại định chế tổ chức rất phổ biến:
Thứ nhất, định chế có cấu trúc kiểu tập quyền hay định chế cơ quan chủ quản (cấp trên bổ nhiệm cấp dưới và cấp dưới phải chấp hành các chỉ thị của cấp trên dưới dạng các quyết định cá nhân, mọi nhà trường đều có cơ quan/bộ chủ quản, thủ trưởng đơn vị là người được cơ quan chủ quản giao quyền quản lý nhà trường, trường không được quyền tự chủ hoàn toàn);
Thứ hai, định chế điều phối tự quản kiểu hội đồng hay định chế tự chủ đại học (qua bầu chọn đại diện các nhóm lợi ích có liên quan, không có cơ quan/bộ chủ quản, trường được tự chủ tối đa, hội đồng trường là tổ chức thực quyền cao nhất trong trường).
Cho tới nay, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ mới có 23 trường đại học được phép thí điểm thực hiện tự chủ đại học; còn cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập khác, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam đều đang hoạt động theo định chế thứ nhất. Do hiện nay tại Việt Nam đang song song tồn tại đồng thời cả hai định chế cơ quan chủ quản và tự chủ đại học nên Luật Giáo dục đại học cũng như nhiều luật khác cần xây dựng các quy định riêng cho từng loại định chế. Nếu không thì Chính phủ phải có nghị định chính thức chuyển tất cả hệ thống cơ sở giáo dục đại học về cùng một định chế tự chủ đại học.
Thứ hai, những mặt được và chưa được của Luật Giáo dục đại học hiện hành
Luật Giáo dục đại học hiện hành (trên cơ sở hợp nhất các Luật số 08/2012/QH13 và Luật số 34/2018/QH14) đã luật hóa được một số nhân tố mới góp phần triển khai các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ bản giáo dục đại học Việt Nam.
Tuy nhiên xét chung về kết cấu và nội dung Luật Giáo dục Đại học hiện hành vẫn nghiêng theo hướng của một luật về các cơ sở giáo dục đại học - một văn bản thường chỉ được trình bày dưới dạng “dưới luật”, tức Điều lệ trường đại học. Trong Luật, những nội dung rất quan trọng của một Luật Giáo dục đại học hiện đại như Hệ thống giáo dục đại học, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học hầu như không được thể hiện rõ. Mặt khác nhiều nội dung đưa vào lại quá chi li, không xứng tầm của một luật về Giáo dục đại học (như đã nêu ra tại Công văn số 93/HH-VP ngày 12/10/2018 của Hiệp hội gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội).
Ý kiến trên đã được bộ phận soạn thảo Luật hứa hẹn sẽ xem xét sau một số năm nữa, còn trong đợt sửa đổi 2018, do không kịp thời gian, nên chỉ tập trung vào một số nội dung chủ yếu có liên quan đến vấn đề tự chủ đại học. Bởi vậy trong đợt sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học sắp tới, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam mong đợi sẽ có một Luật Giáo dục đại học hoàn chỉnh hơn.
Thứ ba, các đề nghị sửa đổi cụ thể
Về kết cấu của Luật Giáo dục đại học sửa đổi
Hiệp hội đề nghị bổ sung và bố cục lại một số nội dung để kết cấu thành hai chương mới trong Luật: một chương về Hệ thống giáo dục đại học (chương 2) và một chương về Quan hệ Xã hội (chương gần cuối).
Chương đầu cần chứa đựng các nội dung như: cơ cấu hệ thống giáo dục đại học, các chuẩn mực giáo dục đại học quốc gia, các loại hình đào tạo, các trình độ đào tạo, hệ thống văn bằng, các cơ sở giáo dục đại học, mạng lưới các hội và hiệp hội về giáo dục đại học... (tham khảo Luật Giáo dục Đại học của Liên Bang Nga, Luật giáo dục đại học Indonesia,...).
Hệ thống giáo dục đại học ở đây cần phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Nhà nước từ năm 2015.
Chương sau cần đưa vào các nội dung về nguyên tắc bình đẳng trong cơ hội và điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học của mọi công dân có nguyện vọng và nhu cầu được học đại học, về trách nhiệm và quyền lợi của công dân, trong đó có giới tuyển dụng đối với giáo dục đại học, về vai trò của các hội và hiệp hội nghề nghiệp trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học... Đây là hai chương rất cơ bản không thể thiếu vắng trong mọi Luật Giáo dục đại học.
Một vài nhận xét cụ thể về thực tế triển khai Luật Giáo dục đại học hiện hành
Đang có nhận thức chưa đầy đủ về tự chủ đại học: Trong những năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã áp dụng “định chế tự chủ đại học” để tổ chức thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của 23 trường đại học công lập (thông qua Nghị quyết 77) và thu được nhiều kết quả tốt. Chỉ đáng tiếc, đang có nhận thức chưa đầy đủ về tự chủ đại học dẫn đến:
Khi có xung đột, các nhà chức trách thường áp dụng ”định chế cơ quan chủ quản” để phán xử;
Khi xây dựng các văn bản dưới luật vẫn coi cơ sở giáo dục đại học công lập như các đơn vị sự nghiệp công lập khác - không thể chế được quyền đại diện chủ sở hữu tài sản công của Hội đồng trường. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập là ví dụ.
Đang có những nội dung bất cập, hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học: Đã xuất hiện những bất cập khi Hội đồng trường thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình được Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định. Đặc biệt là những hoạt động liên quan đến đầu tư, đến quản lý sử dụng tài sản công và tổ chức nhân sự.
Nhận thức chung của Hiệp hội là khi nhà trường được tự chủ đồng nghĩa với việc chủ động quyết định những việc mà Luật Giáo dục đại học hiện hành cho phép (đặc biệt là các Điều 16, 66, 67...). Có những phản ánh cho là vẫn còn bất cập, hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các việc trên. Vướng mắc nhất là không ít việc Hội đồng trường tự quyết định là đủ nhưng vẫn phải trình cơ quan chủ quản quyết định.
Ví dụ, Điều 67 Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định: “cơ sở giáo dục đại học được sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển”. Không ít cơ sở giáo dục đại học đang tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ phản ánh: Khi nhà trường triển khai công việc theo Điều 67 vẫn phải trình cơ quan quản lý trực tiếp quyết định chứ không phải là Hội đồng trường; nếu không như vậy được coi là sai. Xin làm rõ thêm việc này.
Trước hết, xem cơ sở giáo dục đại học công lập như các đơn vị sự nghiệp công lập khác thì tài sản nhà trường được điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (số: 15/2017/QH14). Theo đó, Bộ cơ quan ngang bộ hoặc Ủy ban nhân dân các cấp (cơ quan chủ quản) là “đại diện chủ sở hữu” tài sản công (các điều 15, 16, 18).
Tuy nhiên đối với cơ sở giáo dục đại học công lập thì tài sản nhà trường còn được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục đại học hiện hành. Theo đó Hội đồng trường là “đại diện chủ sở hữu” (Điều 16 của Luật Giáo dục đại học). Loại việc ở ví dụ trên thuộc quyền của Hội đồng trường.
Đáng tiếc, Luật Giáo dục đại học hiện hành đã không thực hiện nguyên tắc “cơ quan ban hành văn bản phải đồng thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới đó” của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 12).
Điều tương tự có thể tìm thấy khi lần theo chuỗi công việc quy định tại các điểm: a, b, c, d, đ, e, g của Điều 16, các điều 64, 65 và một số điều khác của Luật Giáo dục đại học hiện hành.
Sự không đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học với các luật khác đang là rào cản trong quá trình thực hiện chủ trương tự chủ đại học.
Những bất hợp lý thuộc cơ cấu hệ thống và mô hình trường chưa được khắc phục: Chia sẻ quan điểm về hệ thống giáo dục quốc dân và mạng lưới cơ sở giáo dục đại học với các cấp có thẩm quyền, Hiệp hội đã đề cập đến việc xây dựng một hệ thống mở, thực học, liên thông và phân luồng hợp lý. Trong đó có sự phân công sứ mệnh và phối hợp công việc, có các trường trọng điểm, trường đẳng cấp quốc tế và trường địa phương, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giáo dục học thuật và giáo dục chuyên nghiệp, hệ thống sư phạm, có cấp độ đào tạo theo quy định quốc tế của UNESCO để tiện cho việc hội nhập thị trường toàn cầu. Thế nhưng đang có những bất hợp lý hiện hữu ngay trong các văn bản quy phạm pháp luật. Xin nêu một số hiện tượng:
Thứ nhất, trình độ cao đẳng bị loại khỏi bậc đại học, một việc làm không có tính kế thừa, thiếu khoa học và không hội nhập quốc tế.
Công cuộc đổi mới giáo dục đại học làm xuất hiện hai trình độ đào tạo mới: Cao đẳng và Thạc sĩ. Hai trình độ này được trải nghiệm nhiều năm, được xã hội đón nhận. Trong các văn bản quy phạm pháp luật từ 1993 đến 2014, hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam luôn có bậc đại học với 4 trình độ: Cao Đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Chưa thấy đánh giá tác động chính sách nào bác bỏ sự hiện diện trình độ cao đẳng ở bậc đại học của Việt Nam, thế nhưng Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 đã loại trình độ cao đẳng khỏi bậc đại học (xem các Điều 76, 77 của Luật số 74/2014/QH13).
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận thấy: Luật Giáo dục nghề nghiệp chối bỏ một giá trị thực tiễn và khoa học được xã hội thừa nhận hơn nửa thế kỷ (loại hình cao đẳng chuyên nghiệp xuất hiện từ những năm sau 1975 do Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn dắt);
Hiện đang có sự lúng túng trong nhận dạng và phát triển chương trình đào tạo cũng như quản lý nhà nước trình độ cao đẳng, thủ tiêu chức danh kỹ thuật viên làm méo mó cơ cấu nhân lực của đất nước;
Cơ cấu bậc đại học của Việt Nam không tương đồng với thông lệ quốc tế (ISECD-2011), dẫn đến khó tham chiếu, khó chia sẻ thông tin, cản trở dịch chuyển nhân lực, hạn chế hội nhập quốc tế.
Thứ hai, đang có những xung đột pháp lý đối với mô hình đại học quốc gia, đại học vùng.
Cho đến nay, vẫn nổi lên những ý kiến trái chiều xung quanh quan niệm “hai cấp” ở đại học quốc gia, đại học vùng và quyền tự chủ của các trường đại học thành viên trong các đại học này. Xét về mặt pháp luật Hiệp hội thấy đang có có những xung đột pháp lý đối với mô hình đại học quốc gia, đại học vùng. Cụ thể:
Luật Giáo dục đại học hiện hành chưa đặt đúng chỗ “đại diện quyền sở hữu” của đại học quốc gia, đại học vùng. Luật quy định cơ quan cao nhất của trường đại học là Hội đồng trường (Điều 14); cơ quan cao nhất của đại học là hội đồng đại học (Điều 15); Hội đồng trường là “tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường” (Điều 16). Tuy nhiên, quyền này không có trong chức năng quyền hạn của hội đồng đại học (Điều 18).
Như thế, quyền tài sản (bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi) của đại học quốc gia thuộc Hội đồng trường thành viên chứ không thuộc Hội đồng đại học quốc gia. Việc này chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới các đại học quốc gia, đại học vùng rất khó khăn trong việc “trở thành một thực thể hữu cơ phát huy cao nhất hiệu quả của việc xây dựng và sử dụng đội ngũ giáo viên, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất” như chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị tại văn bản số 315-TB/TW ngày 29/8/2000.
Nghị định số 186/2013/NĐ-CP về đại học quốc gia có xung đột. Cụ thể, Điều 2 quy định: “Đại học quốc gia là cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển”.
Trong khi đó, Điều 3 của Nghị định quy định Đại học quốc gia có nhiệm vụ: “Quản lý, điều hành, sử dụng và chia sẻ các nguồn lực, cơ sở vật chất dùng chung trong Đại học quốc gia, bảo đảm tính hữu cơ, đồng bộ và hiệu quả; huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng Đại học quốc gia thành cơ sở giáo dục đại học từng bước đạt chuẩn quốc tế, khu vực”.
Để khắc phục những hạn chế trên đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới cho các Đại học Quốc gia và Đại học Vùng, trong đó quy định các đại học này phải thay đổi cơ cấu theo hướng chuyển đổi ngay từ mô hình Liên hiệp các trường đại học chuyên ngành qua mô hình đại học đa lĩnh vực có sự phân công, phân cấp hợp lý giữa đại học và các trường thành viên, bảo đảm phát huy tính chủ động và thế mạnh của từng trường, cùng với sức mạnh tổng hợp chung của cả đại học.
Thứ ba, mô hình quản trị đại học địa phương chưa được quy định rõ trong luật: Đảng và Nhà nước từ trước đến nay luôn coi trọng hệ thống giáo dục địa phương nói chung và hệ thống giáo dục đại học địa phương nói riêng và xem giáo dục địa phương là một bộ phận không thể thiếu được của hệ thống giáo dục quốc gia, cũng giống như vai trò của "3 thứ quân" trong chiến lược chiến tranh nhân dân.
Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam nhiều năm qua cho thấy một nền giáo dục đại học tốt cần có sự phân tầng, nhưng một nền giáo dục đại học phân tầng không có nghĩa cho phép chấp nhận những cơ sở giáo dục đại học chất lượng thấp. Phân tầng ở đây chỉ có nghĩa là chấp nhận sự đa dạng về sứ mệnh của các trường đại học. Trên thế giới phân tầng giáo dục đại học chủ yếu nhằm 2 mục đích:
Thực hiện sự phân cấp quản lý hợp lý đối với hệ thống giáo dục đại học nhằm khắc phục những hạn chế của một hệ thống giáo dục tập trung cồng kềnh vốn là sản phẩm của thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp.
Mở ra sự công bằng hơn trong giáo dục đại học, tạo thuận lợi cho các vùng miền có mức độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, nhất là ở những địa phương mà kinh tế-xã hội còn chậm phát triển, sớm đạt được sự phát triển đồng đều nhờ có nguồn nhân lực trình độ cao bám sát nhu cầu đặc thù của chính địa phương đó, do người dân của địa phương đó có thêm cơ hội thuận lợi được tiếp cận với giáo dục đại học.
Hiện các trường đại học địa phương phải đối mặt với không ít vấn đề. Nổi bật là: Phải thực hiện lộ trình tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP; Đối tượng tuyển sinh thu hẹp (khác hẳn định hướng ban đầu); Nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (thế mạnh truyền thống) bấp bênh; Một số trường đại học địa phương xây dựng đề án sáp nhập vào đại học quốc gia (Trường Đại học An Giang đã hoàn tất việc này).
Theo Hiệp hội, mô hình đại học địa phương có sứ mệnh riêng, gắn với cộng đồng, gắn với chính quyền địa phương về nhiều phương diện. Với 25 năm trải nghiệm, mô hình đại học địa phương xứng đáng được đúc kết, định hình về phương diện luật pháp.
Vấn đề không vì lợi nhuận: Phải 25 năm sau kể từ khi trường đại học tư thục đầu tiên ra đời (1988) nhà nước mới giải thích: cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà phần lợi nhuận tích lũy hàng năm là tài sản không chia..; các cổ đông hoặc thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ” (Điều 4 Luật Giáo dục đại học). Dẫu vậy, nhà nước không kiểm soát được tính “không lợi nhuận”.
Năm 2018, tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã định chế lại việc trên theo hướng: nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức. Luật còn quy định “chỉ chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận” (Điều 7).
Nhưng thực tế rất đa dạng. Một số đại học dân lập muốn chuyển thẳng sang hoạt động theo mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận đã không có cơ hội (Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT); xuất hiện một vài trường đại học tư thục không vì lợi nhuận nhưng chủ sở hữu nó lại là doanh nghiệp lớn – những tổ chức đang theo đuổi lợi nhuận.
Rất đáng chú ý là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng chỉ rõ “chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tập I, trang 233). Còn Thủ tướng đã gợi ý nghiên cứu mô hình "lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công, quản trị tư; đầu tư tư, quản trị công; đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp" (12/3, tại Khánh Hòa). Một số nhà giáo dục, nhà đầu tư vào giáo dục đang chia sẻ và tìm kiếm sự gắn kết chúng với mục tiêu không vì lợi nhuận.
Những quy định về không vì lợi nhuận trong giáo dục đại học không nên dừng ở những luật hiện hành mà cần tiếp tục quy định rõ hơn nữa theo hướng thoáng mở để tạo điều kiện cho các loại trường khác có thể chuyển đổi sang không vì lợi nhuận, chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra xác nhận và giám sát việc thực hiện không vì lợi nhuận, cũng như các chính sách thuế và thuê đất được khuyến khích đúng tầm của vấn đề quan trọng này.
Từ những phân tích ở trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, Luật Giáo dục đại học hiện hành có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh và đang còn chịu sự cản trở của nhiều luật khác. Mặt khác đang có những xung đột trong luật và nhiều vấn đề mới xuất hiện. Đặt vấn đề rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học là cần thiết và trong khi sửa đổi cần quan tâm xem xét các nội dung như văn bản này đã trình bày. Đồng thời với đó, cần điều chỉnh các luật khác cho đồng bộ với Luật Giáo dục đại học (chứ không phải ngược lại).
Thùy Linh - Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam