Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực; Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn; các thành viên Ủy ban; các chuyên gia; đại diện một số trường đại học và doanh nghiệp.
Quang cảnh phiên họp
Phiên họp thảo luận chuyên đề “Chính sách hỗ trợ hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu xã hội”.
Hợp tác đại học - doanh nghiệp vẫn còn trong ngắn hạn
Thực trạng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong báo cáo chuyên đề của phiên họp cho thấy, hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp đã được quan tâm từ nhiều năm trở lại đây. Các chủ trương và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước khẳng định: các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn nhu cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học - công nghệ…
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT về một khảo sát vào tháng 6/2021, trong số 135 cơ sở giáo dục đại học có báo cáo gửi về thì 40,7% cơ sở đào tạo có hoạt động hợp tác với doanh nghiệp cả trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác; 44,4% có hợp tác trong các lĩnh vực khác; 8,1% có hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và 6,7% không có hoạt động hợp tác nào với doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào các cơ sở đào tạo các khối ngành đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật.
Tổng số doanh nghiệp có hợp tác với 135 cơ sở giáo dục đại học được khảo sát là 6.126 doanh nghiệp, đạt tỉ lệ trung bình là 60 doanh nghiệp/cơ sở đào tạo. Gắn kết với doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở vấn đề tìm chỗ thực hành cho sinh viên hay xin học bổng, đa số các trường hiện nay đang hướng tới việc giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Kết quả khảo sát của Vụ Giáo dục đại học năm 2021 cũng cho biết, hoạt động hợp tác nổi bật nhất giữa trường đại học - doanh nghiệp trong đào tạo là hoạt động tiếp nhận sinh viên đến kiến tập/thực tập (gần 90%). Hoạt động hợp tác chiếm vị trí thứ 2 là tài trợ cho các hoạt động liên quan đến đào tạo và ngoại khóa bao gồm: trao học bổng sinh viên, tổ chức ngày hội việc làm, và tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp (gần 70%). Việc các doanh nghiệp tham gia góp ý cho chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy dừng lại ở mức độ 30%.
Báo cáo đánh giá thực trạng cũng khẳng định, mối quan hệ giữa trường đại học - doanh nghiệp ở nước ta nhìn chung vẫn chủ yếu trong ngắn hạn, cả hai chủ thể chưa thực sự có nhu cầu bức thiết. Hệ sinh thái hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp mới chỉ đang trên đường hình thành.
Bên cạnh chính sách khuyến khích, cần chính sách bắt buộc
Trao đổi tại phiên họp, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đều khẳng định vai trò hết sức quan trọng của việc hợp tác với doanh nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp để tăng cường hiệu quả mối quan hệ hợp tác này. Nhóm giải pháp được nhấn mạnh là về chính sách.
TS.Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh thảo luận tại phiên họp
Ông Nguyễn Mạnh Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trí Nam nhận định, cơ chế chính sách cho việc hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp đã tương đối đầy đủ, tất nhiên vẫn cần cải tiến thêm cho phù hợp. Tuy nhiên, thực hiện hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, nhận thức của người triển khai trực tiếp. Để mang lại hiệu quả trong quá trình hợp tác, ông Nguyễn Mạnh Trường đề xuất, cần quan tâm tăng cường nhận thức cho đối tượng thực hiện trực tiếp.
Theo đại diện Trường Đại học Bách khoa, cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác đối tác công tư (PPP) trong giáo dục đại học. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, tài trợ cho lĩnh vực giáo dục đại học, như chính sách miễn trừ thuế cho các doanh nghiệp đầu tư tài trợ cho giáo dục.
TS.Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh nêu đề xuất, nhà nước cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tăng quyền tự chủ cho nhà trường. Nhà trường cần được tự chủ và chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồn tài chính.
Để mối quan hệ đại học và doanh nghiệp trở thành việc cần phải làm và mang lại lợi ích cho cả 2 bên, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường FPT cho rằng, bên cạnh các chính sách khích lệ, động viên, kết nối, thúc đẩy, cần một số yêu cầu mang tính bắt buộc. Đơn cử như với nhà trường, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp cần là một tiêu chí trong kiểm định.
Nhận định chính sách là vấn đề quan trọng nhưng cũng rất khó, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đề xuất chọn chủ đề gắn kết đại học và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để có sự quan tâm hơn của Chính phủ và các Bộ, ngành. Chính sách cần được rà soát tổng thể, nội dung nào đã quy định trong Luật nhưng cần hướng dẫn cụ thể, nội dung nào còn đang vướng, nội dung nào còn thiếu cần bổ sung…
Tiếp tục đề xuất chính sách thúc đẩy hợp tác đại học - doanh nghiệp
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp; đồng thời cho rằng, cần tính đến các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn, chặt chẽ hơn, liên thông hơn, hiệu quả hơn và đem lại nhiều lợi ích hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận phiên họp
Theo Bộ trưởng, khi đề xuất chính sách phải vừa chú ý đến cái chung, vừa chú ý đến các trường theo từng nhóm lĩnh vực để phù hợp, hài hòa, trong đó đặt trọng tâm đến hệ thống các trường có liên quan nhiều đến doanh nghiệp.
Đề cập tới từng phương diện cụ thể trong hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp như hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hoạt động đào tạo; việc sử dụng nguồn lực… Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục đề xuất các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động hợp tác trên từng phương diện.
Trong đó, cần khuyến khích tăng cường chính sách để các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào hoạt động đào tạo của nhà trường. Dù hiện nay đã có quy định trong một số văn bản, nhưng cần thêm nữa các chính sách cho nhóm này.
Bộ trưởng mong rằng, cả phía đại học và doanh nghiệp sẽ cùng quan sát, phân tích các nhu cầu của nhau và tận dụng các cơ hội để hợp tác, đẩy nhanh sự phát triển vì sự phát triển chung của đất nước. Trong khuôn khổ một phiên họp chưa thể giải quyết mọi vấn đề, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu, chuyên gia sẽ cùng tiếp tục suy nghĩ cho vấn đề lớn này.
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo