Tham dự hội thảo có đại diện Bộ GD-ĐT các chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học trao đổi, phân tích, đánh giá kết quả thực tiễn triển khai các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của mô hình các Đại học ở Việt Nam hiện nay.
Đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học trong thời gian tới.
Xem xét sửa đổi Luật Giáo dục đại học
Theo Ban tổ chức, hội thảo là một hoạt động cụ thể nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nghiên cứu, rà soát nội dung để xem xét, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học.
Mục đích của Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận và đánh giá thực tiễn việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của mô hình đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân để từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học nói chung, về mô hình tổ chức và hoạt động của các đại học nói riêng.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng và phát triển mô hình cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế vận động chung của giáo dục đại học thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đào tạo nhân lực trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14) đã khẳng định rõ cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam bao gồm chủ yếu 02 mô hình: các Trường đại học, Học viện (gọi chung là Trường đại học) và các Đại học - là cơ sở giáo dục đại học gồm nhiều đơn vị cấu thành hoạt động ở nhiều lĩnh vực chuyên môn cùng thống nhất thực hiện mục tiêu sứ mạng, nhiệm vụ chung về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Theo quy định của Luật, thuật ngữ "Đại học" không chỉ được dùng để chỉ các Đại học với tư cách là "tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp" như quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Giáo dục đại học năm 2012 (Luật số 08/2012/QH13), bao gồm các Đại học Quốc gia và Đại học vùng hiện nay mà còn mở ra hành lang pháp lý cho việc hình thành các Đại học đa ngành, đa lĩnh vực được phát triển lên từ các Trường đại học truyền thống.
Tuy nhiên, theo bà Mai Hoa, trong thực tiễn triển khai thi hành Luật, việc tổ chức và hoạt động của mô hình Đại học cũng nảy sinh một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ, nhiều nội dung cần được quan tâm, làm rõ để tạo sự thống nhất từ nhận thức tới thực tiễn triển khai thực hiện Luật.
Đại học - Trường đại học?
Theo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), nhà trường được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay một số khó khăn, tồn tại trong thực hiện mô hình tự chủ đã nảy sinh về hàng loạt các quy định liên quan đến cơ chế hội đồng trường trong Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung, mặc dù một số đã được hướng dẫn, chi tiết hóa trong Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đối với hai Đại học Quốc gia (ĐHQG).
Bên cạnh đó, ĐHQG không phải là một cơ sở GDĐH thông thường như trường đại học. Với mô hình này, về chức năng, Hội đồng ĐHQG không phải là cơ quan quản trị như hội đồng trường đại học mà là cơ quan thiên về hoạch định, dẫn dắt về chính sách và quyết định những vấn đề mang tính chiến lược, quy hoạch quan trọng đối với tất cả các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc.
Ngoài ra, thành phần hội đồng ĐHQG cũng không như thành phần hội đồng trường, mà bao gồm đại diện các đơn vị thành viên, trực thuộc, đặc biệt bao gồm các đại diện từ các Bộ, ban ngành có liên quan; về cách thức, quy trình thành lập, hội đồng ĐHQG do Thủ tướng Chính phủ quy định, đặc biệt chức danh Chủ tịch hội đồng ĐHQG là chức danh do Thủ tướng chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Do vậy, ĐHQGHN đề xuất giữ nguyên quy định về hội đồng ĐHQG như quy định hiện nay tại Nghị định số 186/2013/NĐ-CP.
Giáo sư Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN cho hay, về cơ chế chính sách và các quy định khác của pháp luật, ĐHQGHN gặp phải các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển theo từng giai đoạn đối với các dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Cơ chế chính sách trong việc ký hợp đồng lao động và bổ nhiệm người lao động vào các vị trí quản lý lãnh đạo đối với một số ngành nghề đặc thù có nhiều cán bộ khoa học trình độ cao còn hạn chế, bất cập. Các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự của ĐHQGHN vẫn chưa được thể chế hóa theo luật định.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, một trong những yêu cầu quan trọng của mô hình quản trị ĐH QG mới đó là phải đảm bảo duy trình tính hiệu quả và tính hệ thống đã được hình thành, phát triển và liên tục cập nhật, đổi mới, sáng tạo trong suốt 27 năm qua.
Về quản lý nhà nước, Hội đồng đại học ĐHQG TPHCM là cơ quan quyền lực cao nhất được thành lập và hoạt động theo Điều 18 của Luật, trong đó quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn đối với ĐHQG TPHCM thông qua các quyết định về kế hoạch chiến lược, kế hoạch đầu tư, các chính sách về tiền lương, tiền thưởng, chính sách học phí…
Lãnh đạo ĐH QG TPHCM kiến nghị: Việc chậm ban hành Nghị định về ĐHQG TPHCM và Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục thành viên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện tự chủ đại học ĐHQG TPHCM vì đây là văn bản hướng dẫn thi hành Luật 34.
Về Hội đồng đại học, Hội đồng trường (HĐT), Luật quy định HĐT là tổ chức quản trị, được ban hành, quyết định nhiều chính sách quan trọng đối với các hoạt động của trường đại học thành viên, trong đó có tài chính, tuyển sinh… Trong quá trình thực hiện các quyết nghị của HĐT, nếu có sai phạm thì ai là người chịu trách nhiệm trước pháp luật? hiệu trưởng hay Giám đốc ĐHQG hay HĐT hay là Chủ tịch HĐT?...
Mô hình quản trị của ĐHQG TPCHM dựa trên sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ pháp luật và các quy định quản lý của nhà nước, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Do đó, đề xuất mô hình đảm bảo tính ổn định, ít xáo trộn so với mô hình hiện tại, phát huy sức mạnh hệ thống, nâng cao tính chủ, trách nhiệm giải trình cho các đơn vị thành viên.
Không đánh đồng tự chủ đại học
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho rằng, các vấn đề về tự chủ cho các Đại học mô hình "hai cấp" (gồm ĐH Quốc gia và ĐH vùng) tại Việt Nam vẫn đang đối mặt về văn hóa - ý thức mạnh mẽ về lòng trung thành giữa các trường đại học thành viên.
Bên cạnh đó, công nhận pháp lý, Bộ GD&ĐT tiếp tục làm việc cùng với các trường đại học thành viên song song với việc làm việc với cấp đại học vùng nên còn gây nhiều khó khăn, chồng chéo quản lý; Mô hình tài chính, cấp kinh phí trực tiếp cho các trường đại học thành viên; Văn hóa "quản lý" thay vì "quản trị" trong các mối quan hệ với các trường đại học thành viên vẫn còn tồn tại rất cố hữu và trở thành thói quen như mặc định; Cam kết còn lỏng lẻo và hạn chế của các trường đại học thành viên về hợp tác và trách nhiệm chung ở mô hình đại học 2 cấp.
Chính vì vậy, ông Chương đề xuất, Chính phủ cần sớm ban hành một Nghị định riêng hướng dẫn về tự chủ giáo dục đại học cho các cơ sở giáo dục đại học, trong đó cần nhấn mạnh và có cơ chế "rất đặc thù" đối với mô hình đại học quốc gia, đại học vùng, trong đó phân định rõ nội hàm tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học về đào tạo, học thuật, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, đội ngũ và tài chính, tài sản, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan một cách rõ ràng để thực hiện được sứ mệnh vùng, quốc gia như Luật số 34 Điều 7.
Đặc biệt, ông Chương cho rằng, không đánh đồng tự chủ đại học nói chung và tự chủ đại học 2 cấp với tự túc về nguồn lực tài chính.
Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học thành viên tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường đại học thành viên triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học trong một khối đại học 2 cấp, xem những trường đại học thành viên tự chủ như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên. Việc này giúp các trường sớm trở thành trường chuyên ngành trọng điểm trong hệ thống đại học 2 cấp và trong cùng khối ngành.
Về quản trị Đại học ở mô hình đại học 2 cấp, theo ông Chương, cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 - NQ/TW năm 2019 về Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Đại học, Hội đồng trường, có vậy Hội đồng ĐH/Trường mới thực thi tốt chức trách và quyền hạn được giao và Giám đốc, Hiệu trưởng chỉ tập trung công tác quản lý, điều hành theo các Nghị quyết của Đảng ủy, của Hội đồng.
Đối với mô hình Đại học 2 cấp như 2 Đại học Quốc gia và 3 Đại học vùng qua thực tế thực hiện Luật 34 và NĐ 99 có điểm thuận lợi nhưng có nhiều điểm chưa thuận lợi mà khi soạn Luật 34 và NĐ 99 chưa lường hết được và thực tiễn chưa chứng minh, vì vậy đề nghị Chính phủ và Bộ GD và ĐT cần có cơ chế "rất đặc thù" để thực thi tốt nhất trong lãnh chỉ đạo, quản trị và quản lý điều hành cả 2 cấp: Đảng ủy - Hội đồng Đại học - Ban Giám đốc và Đảng ủy - Hội đồng trường, viện thành viên - Ban Giám hiệu.
"Cần kích hoạt mạnh và đồng bộ sự tự chủ đại học vùng ở cả 2 cấp và đầy đủ các nội hàm của tự chủ đại học thông qua việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện lại Quy chế tổ chức và hoạt động như là một "bộ luật" của Đại học, quy chế tài chính, tài sản của Đại học 2 cấp cần thật cụ thể và vai trò hội đồng được phát huy hết nhiệm vụ và quyền hạn theo Luật số 34 đã định, bên cạnh đó cần làm rõ nội hàm về trách nhiệm giải trình cho các bên liên quan của cấp Đại học và cấp các trường đại học, viện thành viên, các đơn vị thuộc và trực thuộc" - ông Chương nhấn mạnh.
Theo Nhật Hồng (Dân trí)