Không chỉ nằm ở vấn đề tài chính, đối với các giảng viên, nhà khoa học giỏi, việc được làm việc trong một môi trường tốt, tạo điều kiện cho họ thực hiện các nghiên cứu khoa học, phát huy sở trường, năng lực, những ý tưởng sáng tạo, đột phá,…mới là những yếu tố “giữ” họ ở lại.
Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Khổng Trung Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nha Trang chia sẻ, “chảy máu chất xám” đang là vấn đề mà nhiều trường đại học công lập của nước ta gặp phải.
Theo thầy Thắng, không phải nằm ở vấn đề tiền lương, mà nhiều giảng viên sau khi đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài cũng muốn quay về nước làm việc nhưng họ nhận thấy rằng các máy móc, trang thiết bị, kinh phí phục vụ nghiên cứu tại trường nơi mình công tác còn hạn chế, khó có thể giúp họ tiếp tục thực hiện định hướng nghiên cứu của bản thân.
Chính vì vậy, sau khi học xong tiến sĩ họ đã quyết định ở lại nước ngoài để có thể phát triển tiếp được mạch nghiên cứu của mình.
Đây cũng là tình trạng không chỉ riêng Trường Đại học Nha Trang mà nhiều trường đại học công lập khác trong nước đang gặp phải. Do vậy, khó khăn hiện nay của các trường đại học là làm sao để các giảng viên được đi học nâng cao trình độ lựa chọn quay trở về.
Sinh viên trong phòng Thí nghiệm Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nha Trang (Nguồn: Website nhà trường).
Ngoài ra, việc kết nối với các doanh nghiệp để gia tăng các dự án nghiên cứu cho giảng viên nhà trường hiện nay cũng còn nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp thường muốn có kết quả ngay. Trong khi đó, việc nghiên cứu đòi hỏi phải có nhiều thời gian để hoàn thành, triển khai thực nghiệm,…, sau đó mới có thể đưa vào áp dụng thực tế.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nha Trang, hiện để thu hút, giữ chân giảng viên giỏi, trường chủ yếu khuyến khích các thầy tích cực tham gia các nhóm, hoạt động nghiên cứu; tạo các điều kiện làm việc thuận lợi như phó giáo sư, giáo sư có phòng làm việc riêng; cố gắng khuyến khích, gợi ý về các đề tài nghiên cứu để giảng viên quay lại làm việc,…
Thầy Thắng cho rằng, để giữ chân được các giảng viên giỏi, cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước với các cơ sở giáo dục đại học để khuyến khích, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học cho các thầy cô.
Đặc biệt, Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách trong việc hợp tác quốc tế để thầy cô khi đi học nâng cao trình độ nước ngoài lựa chọn quay trở về trường và kéo các dự án khoa học quốc tế về.
Mặt khác, thầy Thắng cũng chỉ ra rằng, nếu các trường đại học công lập tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính sẽ thuận lợi hơn trong việc đưa ra chính sách thu hút, giữ chân giảng viên giỏi nhiều hơn. Tuy nhiên, để được tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính, các trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cho hay, chất lượng của giảng viên là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của nhà trường cũng như tác động mạnh đến chất lượng đầu ra của sinh viên.
Đứng trước tình trạng “chảy máu chất xám” hiện nay của nhiều trường đại học, Phó Giáo sư Phạm Văn Song cho biết, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp và chiến lược để có thể thu hút và giữ chân được những giảng viên, nhà khoa học giỏi. Điều này đã được thể hiện qua việc số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ về trường giảng dạy được tăng lên gấp đôi vào năm ngoái.
Trước hết, theo thầy Song, yếu tố cần đảm bảo tất yếu là các chế độ, chính sách lương thưởng, bởi đối với những giảng viên giỏi, nhà khoa học giỏi, họ xứng đáng được hưởng mức thu nhập tương xứng với năng lực của mình. Do Trường Đại học Công nghệ Miền Đông là cơ sở giáo dục đại học tư thục nên về yếu tố này cũng được chủ động, linh hoạt hơn so với các trường công lập.
Và nhìn từ thực tế hiện nay, rõ ràng, một số trường tư thục đang có chế độ đãi ngộ cao nên đã thu hút được nhiều giảng viên từ các đại học công lập top đầu chuyển sang.
Không những vậy, trường cũng tạo môi trường học thuật thuận lợi và cho giảng viên có những quyền tự do nhất định, đặc biệt là quyền tự do về học thuật. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp họ thể hiện được năng lực giảng dạy và nghiên cứu của mình.
Đặc biệt, khi giảng viên có nhu cầu đi học nâng cao trình độ, trường cũng luôn tạo điều kiện để họ được thực hiện. Tuy nhiên, thầy Song cho hay, hầu như giảng viên trẻ về trường đều đã có trình độ tiến sĩ nên chủ yếu họ muốn nâng cao khả năng nghiên cứu và nâng cao chất lượng bài giảng của mình.
Mặt khác, việc xây dựng môi trường học thuật nghiên cứu, tạo ra không gian để giảng viên được hoạt động, kết nối với các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực của mình là rất quan trọng.
Theo đó, nhà trường đã cân bằng khối lượng giảng dạy và nghiên cứu tạo điều kiện để các giảng viên có thời gian tham gia vào công tác nghiên cứu, thỏa sức với đam mê của mình. Bởi, đối với giảng viên, đặc biệt là các giảng viên giỏi, ngoài việc giảng dạy, họ hầu như đều có nhu cầu nghiên cứu.
Hơn nữa, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cũng tạo những quỹ nghiên cứu ban đầu nhằm hỗ trợ cho những giảng viên trẻ tạo tiền đề để họ áp dụng thực hiện các nghiên cứu cấp cao hơn như các dự án cấp quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, trường đang xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh với mạng lưới nghiên cứu không chỉ trong nước mà cả ở quốc tế. Hơn nữa, để tạo thêm môi trường nghiên cứu cho giảng viên, từ đầu năm 2021, trường đã có chiến lược đồng hành cùng doanh nghiệp.
Chính vì vậy, các nghiên cứu của trường chủ yếu là R&D (nghiên cứu phát triển) do xuất phát từ việc đặt hàng của các doanh nghiệp. Và những nghiên cứu này cũng được xuất phát từ sự tham gia vào quá trình vận hành của doanh nghiệp, tư vấn cho các doanh nghiệp cần phải có những cải tiến của các thầy, cô nhà trường.
Trường cũng đặc biệt khuyến khích các thầy cô có các nghiên cứu có tính ứng dụng và nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp. Với các nghiên cứu này nhà trường có chính sách thưởng đặc biệt.
Ngoài ra, theo chiến lược này, các doanh nghiệp sẽ tham gia vào công tác giảng dạy cùng nhà trường cho sinh viên từ năm học thứ 3 trở đi.
Nguồn: Tường San (Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam)